De Heus có mặt tại Hội nghị “Hợp tác chính phủ - doanh nghiệp để đẩy lùi dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại Việt Nam”.

22 tháng 8 2019
-
3 phút

Ngày 21/08, tại khách sạn Melia (tọa lạc tại số 44 đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức hội nghị với chủ đề “Hợp tác chính phủ - doanh nghiệp để đẩy lùi dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại Việt Nam”. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm của Vương Quốc Hà Lan về thành lập vùng an toàn dịch bệnh trong ngành chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu thịt ra nước ngoài.

Đồng chủ trì hội nghị có ông Lê Quốc Doanh – thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn; lãnh sự quán Hà Lan bà Elsbeth Akkerman; đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Bình Phước, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Nam Định và Bình Định, nơi công ty De Heus có các dự án phát triển trung tâm giống và nhà máy giết mổ; ban giám đốc của tập đoàn De Heus Hà Lan tại Việt Nam; nhiều đối tác, trang trại chăn nuôi lớn trên cả nước.  

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày về tổng quan nhu cầu sử dụng thịt heo, chăn nuôi heo, tình hình dịch bệnh ASF, các biện pháp phòng chống ASF đã xảy ra tại Việt Nam. Trong đó, chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác. Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, đại diện cơ quan Nông Nghiệp Hà Lan chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng quỹ dự phòng dịch bệnh, thiên tai trong ngành chăn nuôi. Qua đó, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các trang trại cùng tham gia và điều hành quỹ, để hỗ trợ các trang trại khi bị dịch bệnh, thiên tai xảy ra một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tại hội nghị, ông Gabor Fluit – TGĐ De Heus khu vực Châu Á chia sẻ, vừa qua chính phủ Việt nam đã có những giải pháp hỗ trợ tích cực cho người chăn nuôi bị thiệt hại ASF, nhưng sự hỗ trợ còn chậm trễ, làm khó khăn cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó với vấn đề xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Song song đó, ông Gabor Fluit, nhấn mạnh: Nếu Việt Nam làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, có thể xuất khẩu ức gà sang Châu Âu, vì giá trị ức gà Châu Âu cao gấp 2 đến 3 lần ở Việt Nam… Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ NN & PTNN cùng với chính quyền các cấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong phạm vi từ 3 km2 trở lên.

Bên cạnh việc thảo luận về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ông Vũ Mạnh Hùng – TGĐ Hùng Nhơn Group, cho rằng: Việt Nam cần thiết phải có vùng an toàn dịch bệnh, điều này không những có ích cho việc chăn nuôi, sản xuất, mà còn đảm bảo được việc xuất khẩu của cả ngành chăn nuôi trong tương lai, đảm bảo nguồn thu nhập cao, ổn định cho người chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Tương tự, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN & PTNN tỉnh Bình Định đồng ý với những quan điểm trên. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những khó khăn mà sở NN & PTNN  đang gặp phải như: chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quỹ đất cho chăn nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư… Qua đó, ông Hổ yêu cầu tập đoàn De Heus cùng hợp tác với công ty gà giống Minh Dư xây dựng một vùng an toàn dịch bệnh điển hình, kiểu mẫu trong chăn nuôi gà tại tỉnh nhà.

Thông qua hội nghị này, sẽ giúp cho các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ và phân phối, các trang trại chăn nuôi có cách nhìn đúng đắn hơn về vấn đề dịch bệnh, phòng bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc, chăn nuôi bền vững hướng đến xuất khẩu.