Ngành Thủy Sản Vượt “Bão Covid-19”

18 tháng 9 2020
-
2 phút

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến.

Những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, đặc biệt dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%. Cùng với đó, giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, DN bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn dẫn đến thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.
Trong khi đó, lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ cũng bị ngưng trệ khiến tiêu thụ thủy sản của phân khúc này giảm đáng kể, kéo theo giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chủ lực đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các nhà xuất khẩu giảm mạnh.

Song, sự nỗ lực của các DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất đã mang lại những kết quả khả quan đối với ngành hàng này trong những tháng gần đây. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, xuất khẩu thủy sản tháng 7 tiếp tục đà phục hồi sau khi tăng 0,3% trong tháng 6/2020.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này tăng 20,8% so với tháng 7/2019, đạt 184,35 triệu USD. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong thời gian này cũng có dấu hiệu cải thiện khi chỉ giảm 2,3% so với tháng 7/2019, trong khi mức giảm các tháng trước ở mức trên 18%. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản vẫn gặp khó khăn và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trở lại.

Theo VASEP, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Song dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26 - 8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.



Trước đà phục hồi khả quan của ngành thủy sản, theo VASEP, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đây là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến. Từ đó kéo theo những tín hiệu lạc quan cho ngành sản xuất thủy sản cụ thể trong đó có De Heus.
De Heus, bên cạnh sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao dành cho heo, bò, gà, vịt, cút, De Heus cũng chú trọng phát triển thị trường sản xuất thức ăn thủy sản. Tại Việt Nam, De Heus có 4 nhà máy thức ăn thủy sản tại Vĩnh Long, Bạc Liêu và Hải Phòng. Ngoài ra, De Heus còn đầu tư xây dựng trung tâm thực nghiệm R&D để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến công thức cũng như kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản. Trung tâm còn là nơi để huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật nuôi, cũng như phục vụ cho việc thử nghiệm sản phẩm.
 (Theo Tạp Chí Thủy Sản)