Thị Trường Ngành Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi 6 Tháng Đầu Năm 2020

11 tháng 8 2020
-
2 phút

Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp phải nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như sản xuất dẫn đến thị trường của ngành này cũng có nhiều biến động.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi & nguyên liệu

 

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TĂCN & NL) trong tháng 6/2020 đạt 439 triệu USD, tăng 33,94% so với tháng trước đó và tăng 56,07% so với cùng tháng năm ngoái.

Các thị trường chính cung cấp TĂCN & NL cho Việt Nam trong tháng 6/2020 vẫn là Argentina, Brazil, Ấn Độ và Mỹ... Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 136 triệu USD, giảm 1,39% so với tháng trước đó song tăng 4,31% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu TĂCN & NL 6 tháng đầu năm 2020 lên 724 triệu USD, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 39% thị phần.

Kế đến là thị trường Brazil với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6/2020 đạt hơn 93 triệu USD, tăng 442,17% so với tháng 5/2020 và tăng mạnh 567,12% so với tháng 6/2019. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu TĂCN & NL từ thị trường này đạt hơn 162 triệu USD, tăng 26,86% so với cùng kỳ năm 2019. chiếm 8,8% thị phần.

Đứng thứ ba là Ấn Độ với kim ngạch nhập khẩu hơn 50 triệu USD, tăng 434,71% so với tháng 5/2020 và tăng 364,2% so với tháng 6/2019, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này lên 88 triệu USD, giảm 9,33% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 4,8% thị phần.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đã chi hơn 1,8 tỉ USD nhập khẩu TĂCN & NL, giảm nhẹ 1,91% so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh trong thời gian này là: Mexico với 2 triệu USD, tăng 82,92% so với cùng kỳ năm 2019, Singapore với 14 triệu USD, tăng 66,66% so với cùng kỳ năm 2019, UAE với hơn 20 triệu USD tăng 49,67% so với cùng kỳ năm 2019, sau cùng là Malaysia với hơn 21 triệu USD, tăng 49,46% so với cùng kỳ.

 

Sản xuất thức ăn chăn nuôi

 

Theo Cục Chăn nuôi, tổng sản lượng từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 đạt 9,5 triệu tấn (giảm 5,4% so với với cùng kỳ năm 2019, trong đó thức ăn cho lợn đạt 3,96 triệu tấn, giảm 25,0%, thức ăn cho gia cầm đạt 5,04 triệu tấn, tăng 16,5%).

Về giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm: giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn từ 60 kg đến xuất chuồng 9.411 đg/kg (tăng 3,2%), thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 9.995 đg/kg (tăng 2,6%), thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 9.513 đg/kg (tăng 1,1%).

 

Ngành chăn nuôi

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 1,05% góp phần tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp ở mức 1,18% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm tăng 7,4%, đàn bò tăng 3,4%, đàn lợn giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,8%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%.

Về giá trị xuất khẩu, ước đạt 208 triệu USD. Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt khoảng 341,2 triệu USD, tăng 3,1% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 1,05% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp ở mức 1,18%.

Riêng về chăn nuôi lợn, từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 ngàn đồng/kg. Điều này do nguồn cung giảm do dịch tả lợn Châu Phi; người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp, phải qua nhiều khâu trung gian. Ngoài một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019, sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020, còn phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 trở lại đây.

Trong bức tranh nhiều biến động của ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020, De Heus vẫn tự hào là top 15 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới và top 3 tại thị trường Việt Nam. De Heus vẫn sát cánh cùng người chăn nuôi bằng việc xem chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi được duy trì và phát triển trong suốt hơn 100 năm qua dựa trên am hiểu sâu sắc về dinh dưỡng động vật.