Một Nguồn Nguyên Liệu Bền Vững Đáng Ngạc Nhiên

20 tháng 10 2021
-
2 minutes

Một phần ba tổng số lương thực, thực phẩm cho người ở Nam Phi chưa bao giờ được tiêu thụ đến và thường được mang đi bỏ ở các bãi rác. Theo luật, thực phẩm hết hạn chưa được bán hết không được phép tiếp tục tiêu thụ cho người nữa. Điều này buộc các tiệm bánh ở Nam Phi phải thu lại tất cả bánh mì đã hết hạn sử dụng trong siêu thị. De Heus nhìn thấy cơ hội sử dụng các chất dinh dưỡng quý giá trong các loại bánh mì này và tránh cho chúng không bị lãng phí.

Trước đây, các tiệm bánh mì sẽ cho đi bánh mì cũ. Ví dụ, các ngân hàng thực phẩm sẽ thu thập bánh mì để giúp những ai đang thiếu thốn thức ăn. Những người chăn nuôi cũng mang bánh mì cho heo ăn. “Vấn đề của bánh mì là nó bị mốc khá nhanh khi được gói trong bao bì nhựa,” ông Koos Kooy - Tổng Giám đốc De Heus Nam Phi chia sẻ. Nỗi lo lớn của các tiệm bánh là bánh mì đem tặng thật sự tiềm tàng những rủi roi về sức khỏe cho con người và động vật.

Một ý tưởng về tuần hoàn trong thức ăn chăn nuôi 

Ở Nam Phi, một cơ hội thú vị đã xuất hiện cách đây 8 năm, khi một nhà sản xuất men tiếp cận ông Koos và các đồng nghiệp và đề nghị cung cấp nguồn bánh mì đã hết hạn. Cuối cùng, ông Koos và các đồng nghiệp đã tiếp quản cơ sở chế biến bánh mì đó để tận dụng nguồn dinh dưỡng quý giá có trong lượng bánh mì thừa để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Koos chia sẻ: “Đối với chúng tôi, nó là sự thay thế một - một cho bắp. Xét về tính hồ hóa trong quá trình sản xuất, bánh mì thậm chí còn giúp tạo nên cấu trúc tốt hơn cho các hạt thức ăn.”

Quy trình xử lý bánh mì cần được tự động hóa để trở nên chuyên nghiệp hơn. “Trước đây, cơ sở sản xuất này tháo bao bì nhựa của bánh mì một cách thủ công. Chúng tôi cung cấp cho họ công nghệ tháo bao bì tự động, sau đó là sấy khô và nghiền bánh mì thành vụn,” ông Koos chia sẻ. Tách bao bì nhựa của bánh mì và tìm kiếm quá trình sấy khô bánh mì hiệu quả là một thách thức khá lớn. Nhưng các đồng nghiệp của chúng ta đã thành công! Vụn bánh mì được sản xuất hiện có thể sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để thay thế cho các loại ngũ cốc. 

Tiếp quản cơ sở chế biến bánh mì nói trên là điểm khởi đầu cho hoạt động lớn hơn của De Heus.Hiện tại, De Heus có hợp đồng cung ứng với ba tập đoàn bánh mì lớn ở Nam Phi, và nhận bánh mì từ 16 tiệm bánh ở các tỉnh, thành như Gauteng, Durban và Cape Town

“Để khám phá giá trị của chất thải thực phẩm, bạn cần suy nghĩ về việc xử lý nó và biến nó thành một dạng nguyên liệu mà các ngành công nghiệp khác có thể dễ dàng sử dụng"

Koos Kooy

Tổng Giám Đốc , De Heus Nam Phi

Ông Dickey Wheeler từ Premier Foods - một trong những tiệm bánh mì mà De Heus đang hợp tác - cho biết: “De Heus biến những chiếc bánh mì không còn được sử dụng cho con người thành một sản phẩm có giá trị gia tăng trong một chuỗi giá trị khác - chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này có lợi cho chính chúng tôi khi có đơn vị xử lý bánh mì quá hạn thành sản phẩm có giá trị một cách bền vững và có trách nhiệm.”

Bên cạnh việc tận dụng những chiếc bánh mì đã quá hạn, De Heus còn đảm bảo rằng bao bì nhựa của bánh mì được tách ra sẽ được bán cho nhà máy tái chế. Hàng tháng, sự hợp tác với các tiệm bánh mang lại cho De Heus 1,600 tấn bánh mì quá hạn được tận dụng để tái sản xuất mỗi tháng thay vì bị vứt bỏ. Điều này cũng giúp giảm tác động tiêu cực cho môi trường từ chất thải thực phẩm.

Tìm hiểu các phụ phẩm khác

Các tiệm bánh hiện có thể kiếm tiền từ những chiếc bánh mì bị bỏ đi, cho phép họ giảm chi phí sản xuất. Ông Koos rất vui khi nhiều ngành công nghiệp bắt đầu nhận ra rằng các phụ phẩm không phải là chất thải mà còn thực sự có giá trị. “Để khám phá giá trị của chất thải thực phẩm, bạn cần suy nghĩ về việc xử lý nó và biến nó thành một dạng nguyên liệu mà các ngành công nghiệp khác có thể dễ dàng sử dụng. Giúp đỡ các ngành công nghiệp tạo ra giá trị từ chất thải chắc chắn là một trọng tâm của chúng tôi.”

Kinh nghiệm thành công với bánh mì loại thải đã truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên ở Nam Phi xem xét các phụ phẩm và dòng chất thải khác, ví dụ như sản phẩm phụ từ ngành cam chanh. Nam Phi là nước xuất khẩu cam chanh lớn thứ hai trên thế giới, các nhà máy sản xuất nước trái cây tạo ra hàng tấn phụ phẩm. Những thứ bỏ đi như bã và vỏ cam chanh có nhiều tiềm năng được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. De Heus hiện đang nghiên cứu các cách để sử dụng các phụ phẩm này và biến chúng thành một thành phần thích hợp cho thức ăn chăn nuôi.