De Heus Công Bố Tiến Tới Sát Nhập Hoạt Động Sản Xuất TĂCN Của Masan - Cơ Hội Nào Cho Ngành Chăn Nuôi Tại Việt Nam?

07 tháng 11 2021
-
4 phút

Thương vụ này cho phép cả De Heus và Masan tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên.

De Heus Mua Lại Các Nhà Máy Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Của Masan Feed

Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, De Heus luôn không ngừng nỗ lực phát triển nhằm nâng cao vị thế trên thị trường thức ăn chăn nuôi và năng suất chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Sáng ngày 05/11/2021, tiếp theo sau Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa De Heus Việt Nam và Masan vào ngày 14 tháng 09 năm 2021 (“MOU”), De Heus Việt Nam thông báo việc tiến tới sát nhập 100% mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed vào tổ chức của mình. Công ty TNHH MNS Feed hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 7 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) đến thủy sản (cá, tôm) (năm 2020). Sau khi hoàn tất thương vụ mua bán này, De Heus sẽ có tổng cộng 22 nhà máy sản xuất TĂCN tại Việt Nam, chính thức trở thành nhà cung cấp dinh dưỡng động vật Số 1 trong thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập với quy mô hoạt động rộng khắp  toàn quốc và công suất sản xuất TĂCN lớn, đưa nước ta trở thành quốc gia sở hữu số lượng các nhà máy sản xuất TĂCN nhiều nhất của De Heus trên toàn thế giới.

Bước Đi Chiến Lược Nhằm Củng Cố Vị Thế, Góp Phần Đẩy Nhanh Tốc Độ Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Và Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Thị Trường Việt Nam.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam trở thành thị trường dồi dào tiềm năng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc ngày một nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam có thể được giải thích như sau:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong những thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á với gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng đạm động vật trong nước rất lớn. Bên cạnh đó, nằm ở khu vực Đông Nam Á, ngã ba của Đông Dương, Việt Nam chiếm vị trí địa lý quan trọng và thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hoá.

Thứ hai, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm thuỷ sản như cá tra, tôm, sắp tới có thể xuất khẩu các sản phẩm gia cầm.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước đang phát triển, sức tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng trưởng tốt qua các năm. Theo thống kê, tổng sản lượng ăn đạm động vật của người dân Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước tiêu dùng nhiều trong 10 năm trở lại đây...

Được biết, cùng với việc sát nhập mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, De Heus và Masan còn đồng ý tiến tới những giao dịch cung ứng chiến lược dài hạn trong thỏa thuận chung giữa hai bên, trong đó De Heus sẽ cung cấp thức ăn chăn nuôi và heo thịt cho Masan. Sự kết hợp giữa De Heus - tập đoàn toàn cầu với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 100 năm về dinh dưỡng động vật cùng hơn một thập kỷ hoạt động và phát triển tại Việt Nam và Masan - một trong những công ty tiên phong, có lịch sử hoạt động lâu năm tại thị trường trong nước, và là tập đoàn tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam; được xem là một sự kết hợp đầy triển vọng, có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chuỗi giá trị đạm động vật. Dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên, giao dịch này cho phép cả De Heus và Masan tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm – Food) tại Việt Nam với ưu tiên hàng đầu là phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cá đảm bảo an toàn, tươi ngon, có thể truy xuất nguồn gốc, với giá cả hợp lý, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt.

Nói về mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á khẳng định: "Chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu thị phần tại Việt Nam, mà chúng tôi muốn xây dựng các chuỗi liên kết thành công, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Nếu các chuỗi liên kết này thành công thì đương nhiên thị phần của doanh nghiệp trong mảng thức ăn chăn nuôi cũng sẽ tăng lên. Theo đó, De Heus đang tích cực cung ứng cho người chăn nuôi nguồn con giống tốt, thức ăn tốt, hỗ trợ kỹ thuật tốt và có đầu ra, điển hình là các dự án nuôi heo giống mà chúng tôi đang hợp tác cùng Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai ở Tây Nguyên. Việc hợp tác với Tập đoàn Masan chính là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu này, trong đó nhà máy chế biến thịt mát, hệ thống siêu thị của Masan sẽ ở khâu cuối của chuỗi liên kết".

Việc hợp tác với Tập đoàn Masan chính là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu này, trong đó nhà máy chế biến thịt mát, hệ thống siêu thị của Masan sẽ ở khâu cuối của chuỗi liên kết

ông Gabor Fluit

Tổng Giám đốc De Heus châu Á

Ông Koen De Heus, Giám Đốc Điều Hành Tập đoàn của De Heus chia sẻ: “Chúng tôi hoàn toàn tự tin để phát triển hơn nữa trong tương lai. De Heus cũng đã đạt được mức tăng trưởng tốt trong một thị trường đầy cạnh tranh trong những năm gần đây. Chúng tôi luôn biết ơn sự tin tưởng của lượng lớn những khách hàng chăn nuôi, những người đã luôn dành sự đánh giá cao cho những sản phẩm và dịch vụ mà De Heus đem lại. Điều kiện thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng và nhu cầu của các công ty cung ứng thực phẩm liên lục thay đổi. Vì thế, De Heus luôn cố gắng nổ lực hết mình để hỗ trợ khách hàng tốt nhất có thể, giúp khách hàng đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe của không chỉ người tiêu dùng mà còn cả của những siêu thị trong chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay. Để đạt được điều này, quan trọng là chúng ta cần có năng lực sản xuất và nhạy bén để thích nghi với thị trường hiện tại. Đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng quy mô của De Heus trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, giúp chúng tôi đến gần hơn những khách hàng hiện tại và mở ra con đường tiếp cận tới những khách hàng tiềm năng mới.”

De Heus luôn cố gắng nổ lực hết mình để hỗ trợ khách hàng tốt nhất có thể, giúp khách hàng đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe của không chỉ người tiêu dùng mà còn cả của những siêu thị trong chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay.

Ông Koen De Heus

Giám Đốc Điều Hành Tập đoàn của De Heus

Ông Johan van den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia chia sẻ: “Trong thời gian tới, De Heus sẽ tiếp tục phát triển các sáng kiến chuỗi mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống của không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn là toàn thể người tiêu dùng Việt.Thỏa thuận này khẳng định việc thực hiện cam kết của chúng tôi trong sứ mệnh nâng tầm chuỗi giá trị đạm động vật ở Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần đưa thực phẩm sạch, an toàn với giá cả phải chăng đến gần hơn với người tiêu dùng Việt. Cùng với những người nông dân, các đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi, nhân viên và các đối tác chiến lược, chúng tôi đã sẵn sàng cho sự phát triển và thành công hơn nữa.”

Trong thời gian tới, De Heus sẽ tiếp tục phát triển các sáng kiến chuỗi mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống của không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn là toàn thể người tiêu dùng Việt.

Ông Johan van den Ban

Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia

Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác giữa De Heus (Hà Lan) và Masan (Việt Nam) vào ngày 14/09/2021 tại TP. Hồ Chí Minh và việc đi tới thỏa thuận mua bán các nhà máy sản xuất TĂCN ngày 05/11/2021 thể hiện rõ nét tinh thần của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư, không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho chuỗi giá trị đạm động vật nói riêng, mà còn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục tăng trưởng, trung bình từ 4-6%/năm (giai đoạn 2008 - 2018; năm 2020 cũng tăng 5,5%). Điều này đã tạo động lực thúc đẩy ngành sản xuất TĂCN trong nước liên tục phát triển. Chia sẻ về hợp tác chiến lược giữa De Heus và Masan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "Điều tôi mong mỏi ở các công ty dù lớn hay nhỏ, không chỉ là tiềm lực, mà còn là ở sức lan tỏa những giá trị tích cực ra ngoài xã hội mà công ty đó có thể thực hiện. Điều đó nằm ở việc công ty có thể tạo ra một hệ sinh thái bao trùm tích cực hay không?”. Theo Bộ trưởng, cả De Heus và Masan đều là những thương hiệu lớn, được người tiêu dùng quan tâm trên thị trường chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Ông bày tỏ hy vọng, De Heus và Masan sẽ giúp bà con nông dân tạo ra những quy trình chăn nuôi đạt chuẩn, dù ông khẳng định điều này khó khăn hơn nhiều so với việc chăn nuôi trong chu trình khép kín ở nhà máy.

"Nếu làm được như vậy, tôi tin Masan và De Heus sẽ tạo ra thương hiệu cho riêng mình. Tôi quan niệm rằng thương hiệu là cái hiệu để người ta thương. Vì thế, việc được xã hội, người dân, và cơ quan quản lý quý mến, đánh giá cao cũng là một cách để các công ty nâng cao giá trị của chính mình". Thay mặt ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến hai công ty, nhất là với những đóng góp của họ cho ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Ông bày tỏ hy vọng, hai công ty sẽ phối hợp mở rộng các chuỗi hợp tác trên cả nước.

"Tôi mong mỏi những giá trị hợp tác tích cực của 2 tập đoàn sẽ lan toả ra xã hội, kết nối với hệ sinh thái bên ngoài, tạo ra một hệ sinh thái lớn hơn, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân chăn nuôi. Dù khó khăn nhưng tin rằng nếu làm được như vậy sẽ tạo nên thương hiệu bền vững cho chính các bạn. Chắc chắn hệ sinh thái này sẽ nhân đôi lợi nhuận cho các tập đoàn và đem lại những giá trị tích cực cho xã hội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tôi mong mỏi những giá trị hợp tác tích cực của 2 tập đoàn sẽ lan toả ra xã hội, kết nối với hệ sinh thái bên ngoài, tạo ra một hệ sinh thái lớn hơn, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết, giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân chăn nuôi.

Ông Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam